Áp lực cuộc sống là thứ có thể vùi dập con người, nhưng thứ khiến chúng ta bứt phá và phát triển, cũng chính là áp lực.
Câu chuyện vượt qua áp lực cuộc sống và stress của Nicholas Petrie – bệnh nhân chung sống với ung thư đồng thời là cây viết nổi tiếng trên tạp chí Harvard Business Review.
“Khi mới đôi mươi, tôi được chẩn đoán mắc ung thư dạ dày. Các bác sĩ nói rằng dù cơ hội chiến thắng rất mong manh nhưng đừng thôi hi vọng.
Tôi trở về Nhật Bản, nơi mình đang làm việc và cố gắng quên án tử này đi. Hơn một năm sau, các khối u xuất hiện trở lại, lần này tế bào ung thư đã di căn vào gan. Sau khi nghiên cứu, các bác sĩ đã tìm ra một thủ thuật mới để loại bỏ chúng nhưng tôi biết rõ đây chỉ là phương án tạm thời.
Trong 6 tháng tiếp theo, cuộc sống của tôi bỗng biến thành địa ngục. Thứ đang giết chết tôi chính là sự lo lắng chứ không phải ung thư.
Sau đó, may mắn đã cho tôi gặp Tiến sĩ Derek Roger, người đã dành 30 năm cuộc đời để đi tìm lời giải cho câu hỏi: Tại sao trong những tình huống khó khăn, có người lại buông xuôi, trong khi người khác lại kiên nhẫn vượt qua?
Ông đã dạy cho tôi tất cả những gì mình biết, khi tôi bắt đầu áp dụng nó, nỗi lo lắng của tôi đã giảm, mặc dù bệnh tình của tôi không thay đổi. Trên thực tế, ung thư đã trở lại khoảng 5 năm trước nhưng đã được kiểm soát. Tôi chấp nhận sự thật và không còn lo lắng về nó nữa. Derek đã trở thành người cố vấn của tôi, trong 10 năm qua chúng tôi đã hỗ trợ cho hàng nghìn người, giúp họ vượt qua những giờ phút khó khăn nhất trong cuộc sống.
“Quá trình này bắt đầu bằng việc hiểu rằng stress không phải do người khác hoặc các sự kiện bên ngoài gây ra mà bởi phản ứng của bạn đối với chúng”.
Tại chỗ làm, nhiều người đổ lỗi cho ông chủ, công việc, deadline, những cam kết trong hợp đồng hoặc việc phải cạnh tranh giành quyền lợi.
Tuy nhiên, hầu hết con người không nhận ra rằng: Áp lực không phải là stress!
Áp lực là một trong những yếu tố tạo nên cuộc sống này, con người ta sống và phát triển cũng một phần nhờ áp lực. Stress chính là kết quả của việc cơ thể và suy nghĩ của bạn phản ứng lại với những yếu tố bên ngoài. Hãy loại bỏ thói quen đó bằng những cách sau đây:
THỨC TỈNH CẢ THỂ CHẤT LẪN TINH THẦN
Bất cứ ai trong chúng ta cũng có trạng thái “waking sleep” – bạn thức dậy, làm mọi việc như bình thường nhưng sự thật là tâm trí không được tỉnh táo. Mau quên, thiếu tập trung, cảm thấy mơ hồ… là hậu quả của trạng thái này. Hãy phá vỡ nó, đứng dậy và đi lại, vỗ tay, thậm chí là hát một bài. Ngoài ra có thể sử dụng các giác quan: nghe nhìn, ngửi… rồi bạn sẽ thực sự thức tỉnh.
KIỂM SOÁT SỰ CHÚ Ý CỦA BẢN THÂN
Khi bạn bị áp lực, sự chú ý của bạn bị mắc kẹt trong một vòng luẩn quẩn, tương tự như con chuột hamster trên một bánh xe. Hãy lấy giấy, vẽ một vòng tròn và viết vào bên trong những điều bạn có thể kiểm soát được.
Bạn luôn có quá nhiều công việc cần phải làm, nhưng không phải việc nào cũng quan trọng như nhau. Có những việc bạn buộc phải làm ngay nhưng cũng có những công việc bạn có thể thong thả giải quyết sau. Thậm chí, bạn có thể yêu cầu người khác làm giúp.
Vì vậy, xác định mức độ ưu tiên của công việc, tính chất quan trọng của chúng giúp bạn có thể kiểm soát mọi thứ tốt hơn, giải tỏa những bế tắc, căng thẳng.
CHO QUA NHỮNG ĐIỀU KHÔNG ĐÁNG ĐỂ TÂM
Một cuộc sống tồn tại nhiều mâu thuẫn chắc chắn không thể cho bạn cảm giác bình yên, do đó, để giúp đỡ chính mình, bạn cần học cách nhẫn nhịn, bỏ qua những thứ lặt vặt không cần thiết.
Cuối cùng, giúp đỡ người xung quanh không chỉ khiến cuộc sống quanh bạn tốt đẹp hơn mà còn khiến chính bạn có chút tự hào về bản thân. Giúp đỡ người khác là giúp đỡ chính bạn đạt được một cuộc sống thoải mái hơn.
Trong khi phải vật lộn với bệnh ung thư, tôi phải mất vài năm để tập luyện bản thân để làm theo các bước này. Nhưng cuối cùng nó cũng có hiệu quả. Mức căng thẳng của tôi giảm đi, sức khỏe của tôi đã được cải thiện, sự nghiệp đã bắt đầu tiến triển và quan trọng nhất tôi thấy mình hạnh phúc hơn.
Rồi một ngày bệnh tật sẽ cướp đi mạng sống, nhưng tôi vẫn có thể mỉm cười vì đã kiên cường sống chung với nó.”
(Theo Harvard Business Review)