1. Tôi sinh hoạt trong một số hiệp hội doanh nhân. Là một người không còn trẻ, may mắn làm việc ở nhiều công ty, trong các lĩnh vực khác nhau nên tôi xây dựng được một số mối quan hệ. Nhờ vậy, tôi thường giới thiệu và kết nối các bạn trẻ lại với nhau. Gần đây, tôi biết công ty A có nhu cầu tổ chức một tiệc ra mắt sản phẩm mới. Trong chương trình, cần có một số tiết mục văn nghệ giúp vui của các ca sĩ, nhóm nhạc không quá nổi tiếng. Tôi biết bạn B làm trong lĩnh vực này nên mới giới thiệu B cho công ty A. B rất hăng hái và hứa sẽ hỗ trợ hết mình. Công ty A đánh giá cao tinh thần hợp tác của B và hy vọng sẽ hợp tác lâu dài. Đêm ra mắt sản phẩm thành công và các ca sĩ đã biểu diễn rất tốt.
Vấn đề là sau khi thanh toán tiền tiền thù lao cho các ca sĩ thông qua B thì công ty A phát hiện B đã báo giá gấp 2 lần số thù lao phải trả cho ca sĩ. Số tiền không lớn, trên dưới 20 triệu đồng nhưng sau đó, mối quan hệ giữa B với công ty A chấm dứt. Lý luận của công ty A là nếu B hỗ trợ, B có quyền lấy tiền môi giới nhưng phải nói rõ cho công ty A biết và số tiền này cũng phải có mức độ. Đằng này lại như vậy… B vì một món lợi nhỏ trước mắt mà làm mất đi một mối quan hệ hợp tác kinh doanh lâu dài!
D. là một cán bộ quản lý trẻ rất có triển vọng trong công ty, đã viết riêng email gửi cho C. Trong email, D. đánh giá cao năng lực của C. và rất tiếc khi công ty không giữ chân được C.
2. Một cán bộ tên C. làm trưởng phòng trong 1 công ty nghỉ việc vì lý do về điều hành doanh nghiệp cho gia đình. Theo thông lệ, C. viết một email chia tay gửi cho các cán bộ quản lý. Nhiều đồng nghiệp đã trả lời mail và chúc C thành công trong những ngày sắp tới.
D. còn cho rằng công ty đã đối xử không tốt với nhân viên nên nhiều người mà D. đánh giá là giỏi phải ra đi. Nếu chỉ dừng lại là email chia sẻ của 2 người từng là đồng nghiệp với nhau thì sẽ không có chuyện gì xảy ra. Nhưng C. lại forward nội dung email của D. cho toàn bộ CBCNV công ty và tất nhiên là cho cả Ban Tổng Giám Đốc. Ngay sau đó, D. ngậm ngùi làm đơn xin nghỉ việc. Cũng may, Ban TGĐ đánh giá cao năng lực của D. nên sau khi ” cạo” D. một trận “ra trò”, đã giữ D. ở lại công ty. Tất nhiên, mối quan hệ của C. và D. cũng chấm dứt luôn từ đây!
3. E. là một trưởng phòng trẻ và rất đam mê công việc, cũng như hết mình vì ” màu cờ sắc áo”. Các công việc gì giao cho E. thì hoàn toàn yên tâm vì E. sẽ làm ngày làm đêm để hoàn thành với kết quả tốt nhất. Tuy nhiên, sếp của E lại bị rất nhiều người trong công ty và đối tác bên ngoài phàn nàn về thái độ cư xử của E. Với đối tác bên ngoài, họ cho rằng E. chỉ biết đến quyền lợi của công ty, đòi hỏi tối đa quyền lợi cho công ty mà không đếm xỉa gì đến quyền lợi của các đối tác. Trong một số trường hợp, do các đối tác ở thế yếu nên họ bấm bụng chìu theo đòi hỏi quá đáng của E. Nhưng sau đó, họ không bao giờ muốn làm việc với E nữa. Với các đồng nghiệp, họ phàn nàn E. về thái độ hợp tác. Đặc biệt, những công việc mà cần E có ý kiến góp ý hoặc cần những thông tin mà E. đang nắm giữ thì E. luôn chậm trễ, thậm chí là phớt lờ! Lãnh đạo cũng đã góp ý cho E nhiều lần nhưng bạn vẫn chưa sửa được. Vì vậy, E. không được đề bạt lên vị trí cao hơn, mặc dù E rất giỏi chuyên môn!
Các câu chuyện này đều rất nhỏ. Viết ra đây cũng chỉ mong các bạn trẻ không để những điều này trở thành “chuyện lớn” và ảnh hưởng đến sự nghiệp của mình!