Kỹ năng dành cho bạn trẻ

Làm thế nào để cử nhân kinh tế không bị thất nghiệp? (P2)

KỸ NĂNG LÀ “THẦY” KIẾN THỨC

Có kiến thức mà thiếu kỹ năng, thì cũng giống như việc bạn biết nằm lòng mọi luật giao thông, nhưng lại không thể lái được chiếc xe ra đường: không biết lái, hay lái không thạo, bạn dễ gây tai nạn. Giỏi kiến thức mà dở kỹ năng: bạn sẽ không lái được chiếc xe sự nghiệp của mình đi đến đâu, thậm chí còn “lên bờ xuống ruộng” trong đường đời mình.

Tôi chia sẻ ở đây vài điều quan trọng liên quan đến việc xây dựng và phát triển các kỹ năng cần có ngay từ lúc bạn còn ngồi trên ghế giảng đường, để chuẩn bị thật tốt mà đón lấy nhiều cơ hội sự nghiệp tốt đẹp trong tương lai.

Tôi đã trở thành người “ba đầu sáu tay” thế nào?

Thời học đại học là quãng thời gian tôi tham gia rất nhiều “thể loại” hoạt động:  đi học, đá banh, làm thêm, dạy kèm, hoạt động đoàn, tham gia nghiên cứu khoa học, viết báo, sáng tác, đi chơi với bạn gái… Và điều đáng nói là tôi luôn tìm đủ thời gian để làm cả mớ việc như thế, và làm rất tốt nữa là khác.

Nhiều bạn sinh viên bây giờ cứ than thiếu thời gian cho việc học, không đủ thời gian để làm việc này việc kia. Một ngày 24 giờ xem ra ít quá. Lúc nào cũng có cảm giác phải chạy đua với thời gian, và khó lòng làm tốt được tất cả những việc cần làm. Nhiều bạn ước gì thời gian dài hơn, hoặc mong mình có “ba đầu sáu tay” để làm xong nhiều việc trong 24 giờ một ngày.

Ai cũng có 24 giờ một ngày. Và việc quản lý 24 giờ đó thế nào là một kỹ năng quan trọng, quyết định thành công trong học tập, trong cuộc sống hiện tại và tương lai của một sinh viên. Với nhiều bạn, cái thiếu không phải là thời gian mà là kỹ năng quản lý thời gian.

Đến bây giờ, dù bận rộn trăm công nghìn việc, nhưng việc nào tôi cũng có thời gian để làm và làm tốt. Không phải tôi là thần thánh gì; đơn giản, tôi chỉ chú ý rèn luyện mấy kỹ thuật quản lý thời gian rất đơn giản. Tôi luôn lên kế hoạch cụ thể các việc cần làm trong ngày và phân loại chúng thành các mục: các việc phải làm ngay –  các việc sẽ làm – và các việc không bao giờ làm. Mỗi ngày, tôi coi lại kế hoạch, đưa các việc sẽ làm đã ghi hôm qua vào danh sách làm ngay trong ngày, rồi ghi tiếp các việc sẽ làm cho ngày mai ngày kia; với các việc không bao giờ làm, tôi sẽ gạt bỏ khỏi danh sách để không nặng đầu và mất thời gian.

Đơn giản vậy thôi. Nhưng cứ làm đúng như vậy, bạn sẽ thấy mình luôn có đủ thời gian để làm tốt được mọi việc, giờ nào việc nấy. Và rồi bạn sẽ không cần phải ước mình có “ba đầu sáu tay” nữa.

Hoạt động xã hội có làm phí phạm thời gian không?

Với rất nhiều doanh nhân thành công tôi quen biết, đa phần đều có “gốc” từ phong trào đoàn thanh niên. Họ trưởng thành từ môi trường công tác đoàn. Tôi cũng là một trong số đó. Thí dụ, ông Nguyễn Ngọc Hòa, chủ tịch HĐQT Saigon Coop, cũng từng đi lên từ vai trò của một bí thư đoàn hợp tác xã. Hoặc gần đây nhất, Tổng giám đốc 31 tuổi của công ty Bến Thành cũng là một người có “gốc” đoàn.

Tôi muốn nói với bạn điều gì?

Rằng việc tham gia các hoạt động, các phong trào xã hội ngay từ khi còn đi học, là điều vô cùng cần thiết giúp mở toang mọi cánh cửa cơ hội cho sự nghiệp tương lai của mình.

Vì sao? Vì chính khi tham gia các hoạt động đó, bạn có cơ hội trau giồi kiến thức, trải nghiệm kỹ năng, học hỏi được nhiều điều hay. Quan trọng nhất, môi trường hoạt động tập thể sẽ mang đến cho bạn những trải nghiệm làm thay đổi tận gốc rễ nhiều điều quan trọng trong cuộc sống mình: đó là môi trường tốt để “gọt bớt” cái tôi, để hướng về người khác, để biết cống hiến, hy sinh vì tập thể, để tập tinh thần trách nhiệm, để học và hành kỹ năng tổ chức, lãnh đạo đội nhóm… Tất cả đều cần thiết cho con đường sự nghiệp tương lai, đặc biệt là với những người chọn con đường kinh doanh.

Cá nhân tôi, khi tuyển dụng nhân viên, tôi đều ưu tiên cho những ai từng tham gia phong trào đoàn hoặc các hoạt động xã hội. Cũng thế, rất nhiều nhà tuyển dụng bây giờ, ngoài để ý đến chuyên môn của bạn, họ còn muốn “săm soi” các hoạt động xã hội bạn từng hoặc đang tham gia. Họ muốn bạn có trải nghiệm cuộc sống. Họ biết rõ hoạt động xã hội sẽ góp phần nắn đúc và làm trưởng thành một con người thế nào. Và đó là điều họ cần nơi bạn.

Nếu coi hoạt động xã hội là việc gây lãng phí thời gian, bạn sẽ đánh mất nhiều cơ hội tốt đẹp để trải nghiệm, để trưởng thành, để vun bồi những tố chất và kỹ năng thích hợp mà bước vào con đường tương lai sự nghiệp thênh thang của mình.

Đi làm thêm: chỉ để kiếm tiền?

Tôi muốn nói ngay điều này: đi làm thêm là việc mà mọi sinh viên, nhất là sinh viên kinh tế, nên coi trọng. Tất nhiên, đi làm thêm để có tiền là một lẽ, nhưng còn có một lẽ khác quan trọng hơn rất nhiều: để mở cơ hội thành công trong sự nghiệp tương lai.

Nghĩa là không đi làm thêm, bạn tước mất nhiều cơ hội tốt đẹp đáng ra bạn sẽ có để chuẩn bị cho nghề nghiệp mình sẽ theo đuổi. Và như thế có nghĩa là: những việc bạn chọn làm thêm phải được cân nhắc kỹ càng, sao cho có liên quan đến ngành mình đang học, nằm trong lĩnh vực mình đang và sẽ theo đuổi trong sự nghiệp.

Nếu đang học kế toán, hãy chọn những việc làm thêm liên quan đến kế toán. Nếu đang học marketing, hãy tham gia làm việc trong các chiến dịch hay sự kiện marketing… Những việc làm thêm có liên quan như thế sẽ giúp bạn củng cố kiến thức, mài giũa kỹ năng, hiểu thêm về ngành nghề mình chọn, có kinh nghiệm để đi xin việc và mai sau làm việc khỏi bỡ ngỡ. Hoặc ít nhất, nhờ đi làm thêm như thế, bạn sẽ xác định được ngành nghề mình đang theo có thực sự phù hợp với mình hay không, để còn có phương án lựa chọn khác trước khi quá muộn.

Hồ sơ xin việc: chuẩn bị từ lúc nào?

Nếu muốn có một bộ hồ sơ xin việc “hoành tráng”, bạn phải làm cho nó “hoành tráng” ngay từ bây giờ, từ năm đầu tiên đại học. Đợi đến lúc cần xin việc mới chuẩn bị hồ sơ, thì xem như bạn thất bại từ đầu. Tại sao?

Trong mọi hồ sơ xin việc, có một phần nội dung quan trọng nhất mọi nhà tuyển dụng sẽ nhìn vào để đánh giá: bằng chứng thể hiện kiến thức, kỹ năng, hoạt động khi bạn còn là sinh viên. Bằng chứng đó có thể là lời nhận xét của giáo viên, là tấm giấy xác nhận bạn đã học một khóa kỹ năng, đã tham gia một hoạt động xã hội. Bằng chứng đó là về thành tích học tập, nghiên cứu, hoạt động thể thao… Tất cả đều có giá trị đối với người tuyển dụng.

Đợi đến lúc ra trường bạn mới làm hồ sơ xin việc, thì bạn còn đâu thời gian để kịp chuẩn bị các bằng chứng nói lên “bề dày” trải nghiệm của bạn? Như vậy, ngay từ bây giờ, bạn phải tích lũy các bằng chứng đó, bằng cách chuẩn bị những thứ mà bạn có thể tự tin ghi vào trong hồ sơ xin việc của mình về sau.

Hãy chuẩn bị hồ sơ xin việc ngay, từ lúc này!

Leave a Comment

Your email address will not be published.

You may also like