Kỹ năng dành cho bạn trẻ

Làm thế nào để cử nhân kinh tế không bị thất nghiệp? (P1)

Trong thời gian gần đây, báo chí đề cập nhiều đến việc cử nhân kinh tế không giỏi sẽ bị thất nghiệp khi mà nhóm ngành kinh tế đang được đào tạo vượt gấp đôi quy hoạch.  Là một cựu sinh viên Đại học Kinh tế TP.HCM, ra trường cách đây 20 năm, tôi rất quan tâm đến vấn đề này. Tôi có nhiều dịp được chia sẻ, trao đổi  với các bạn sinh viên ĐH Kinh Tế TP.HCM nói riêng và với các bạn sinh viên khối ngành kinh tế nói chung và tôi nhận thấy rằng đa số các bạn đều năng động và cầu tiến. Ở góc độ là một doanh nhân có tham gia vào việc tuyển dụng, tôi vẫn thấy rằng các doanh nghiệp cũng đang gặp khó khăn khi tìm kiếm những ứng viên có năng lực  cho các vị trí có liên quan đến kinh doanh, tiếp thị, tài chính, kế toán… Tức là thị trường vẫn đang có nhu cầu lớn về cử nhân kinh tế.

Việc làm là chỉ số quan trọng để đánh giá chất lượng đào tạo của nhà trường và khả năng đáp ứng nhu cầu xã hội của nhà trường lẫn sinh viên. Ở đây, tôi chưa đề cập đến trách nhiệm của nhà trường mà chỉ tập trung vào đối tượng là sinh viên. Vậy làm thế nào để các cử nhân kinh tế không thất nghiệp?

Trước hết, phải khẳng định là cử nhân dù tốt nghiệp ngành nào, nếu như không giỏi thì đều có thể bị thất nghiệp chứ không chỉ riêng gì cử nhân kinh tế. Tuy nhiên, vì tôi là cử nhân kinh tế và có chút hiểu biết về chương trình đào tạo trong khối trường kinh tế nên xin chia sẻ một số ý kiến về chủ đề: Làm thế nào để cử nhân kinh tế không bị thất nghiệp hay nói cách khác: sinh viên kinh tế cần chuẩn bị gì khi còn ngồi trên ghế nhà trường?

Phần 1: KIẾN THỨC LÀ KHÍ GIỚI SẮC BÉN

Điều gì có thể học được để có cơ hội tạo dựng nghề nghiệp tương lai thành công: đó là kiến thức cần học. Kiến thức đó phải rộng: để có nhiều cơ hội chọn lựa sự nghiệp. Kiến thức đó phải sâu: để trở thành người xuất sắc trong lĩnh vực của mình.

Cả bữa ăn sẽ hỏng nếu món chính dở tệ!

Trong một bữa ăn, món khai vị hay tráng miệng có thể dở, nhưng các món chính phải ngon. Người ta đánh giá bữa ăn dựa vào các món chính. Cũng thế, là sinh viên kinh tế, có thể bạn dở một số môn, nhưng nếu các môn chuyên ngành của bạn không “ngon”, không xuất sắc, có nguy cơ bạn sẽ làm hỏng cả “bữa ăn” là nghề nghiệp tương lai của mình. Vì sao?

Tôi không đồng ý với kiểu suy nghĩ coi thường các kiến thức chuyên môn và điểm số các môn chuyên ngành ở đại học. Thứ nhất, theo tôi, các giáo trình kinh tế ở đại học bây giờ được cập nhật khá tốt, sát sườn với thực tế cuộc sống và bối cảnh kinh tế. Đừng nghĩ rằng chúng vô dụng, chỉ mang tính lý thuyết, thiếu thực tiễn, để rồi lơ là, bỏ qua. Thứ hai, về sau, khi bạn nộp đơn xin việc, nhà tuyển dụng sẽ nhìn trước tiên vào điểm số các môn chuyên ngành của bạn và phần lớn đánh giá của họ dựa vào đó. Bạn có nguy cơ bị loại nếu điểm số các môn chuyên ngành không gây được ấn tượng đầu tiên. Thứ ba, không tập trung học giỏi chuyên môn, bạn thể hiện một thái độ thiếu tôn trọng đối với con đường nghề nghiệp mình sẽ chọn. Khó ai thành công nếu không coi trọng phương tiện đưa mình đến sự nghiệp tương lai.

Nhưng làm sao để giỏi các môn chuyên ngành? Có đầu tư thời gian và công sức, chắc chắn bạn sẽ gặt kết quả tốt. Để giỏi chuyên ngành, bạn phải học và hành. Về học, bạn cần nắm kiến thức thật kỹ, tìm đọc các tài liệu liên quan chuyên ngành, đối chiếu với thực tế cuộc sống và theo sát tình hình của lĩnh vực mình để nắm sâu hơn. Về hành, bạn cần tập vận dụng hiểu biết của mình để thử đánh giá các hoạt động đang diễn ra trong lĩnh vực chuyên ngành của mình.

Thí dụ: học marketing, ngoài đọc tài liệu, bạn hãy chịu khó theo dõi và tập đánh giá các xu hướng và hoạt động marketing hiện đang nổi trội và thành công, đưa ra ý kiến của mình trên các diễn đàn liên quan để trao đổi, đào sâu, bổ sung hiểu biết; hoặc  bạn có thể phân tích báo cáo tài chính các công ty niêm yết, gửi bản phân tích cho kế toán, tài chính của công ty đó để chia sẻ nhận định đánh giá của bạn.

Ngoài ra, việc làm thêm cũng giúp ích không nhỏ cho việc đào sâu chuyên ngành. Nghĩa là, khi đi làm thêm, tốt nhất là bạn nên chọn những việc có liên quan đến định hướng nghề nghiệp tương lai của mình. Đó là cách trau giồi chuyên môn, trải nghiệm kiến thức chuyên ngành, tạo kinh nghiệm để khỏi bỡ ngỡ trong tương lai. Thời còn đi học, tôi làm nhiều việc liên quan đến kinh doanh, trong đó có việc kinh doanh bản tin tiếng Anh: tôi in và photo ra các tin tức lấy từ VOA hay BBC, đến các giảng đường đại học và bán với giá 2000 đồng/bản. Việc làm nhỏ, nhưng tôi học được nhiều kinh nghiệm thực tế cho chuyên ngành của mình. Về sau, khi ra trường, tôi giao lại cho một số bạn tiếp tục việc kinh doanh này, và có anh bạn đã nhờ bán tài liệu như vậy mà có đủ tiền học tiếp lên cao học.

Dở tiếng Anh hay Tin học thì cũng giống đi dự tiệc mà mặc… quần sooc!

Đầu tiên, bạn hãy suy nghĩ về kết luận thống kê này: những người dùng tiếng Anh lưu loát có thu nhập cao hơn 30% so với những người khác!

Dở tiếng Anh hay Tin học thì cũng giống đi dự tiệc mà mặc… quần sooc!

Ngày trước, tiếng Anh và Tin học giống như thứ trang phục thời thượng chỉ dành cho một số người, nhưng nay, tình hình đã khác. Tiếng Anh và Tin học đã trở thành “áo quần” phổ thông. Thiếu chúng, bạn giống như đến một buổi tiệc trang trọng mà mặc quần sooc vậy.

Nói vui thôi, nhưng thời này mà dở tiếng Anh và Tin học, xem như bạn chưa ra trận mà đã thua. Nhất là tiếng Anh: nó mang đến cho bạn rất nhiều cơ hội trong nghề nghiệp của mình, nhất là nghề kinh doanh. Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, với thứ tiếng Anh bập bẹ, làm sao bạn làm ăn được với các đối tác nước ngoài ngày càng nhiều? Yếu tiếng Anh, bạn tự tước mất rất nhiều cơ hội nghề nghiệp. Thật ra, bạn có thể không quá giỏi về chuyên môn, nhưng tiếng Anh là thứ giúp bạn che lấp được khuyết điểm đó. Tôi có anh bạn ngày xưa học không giỏi, nói chung là trung bình, nhưng được cái là chịu khó mở miệng nói chuyện tiếng Anh với thầy, nói riết nên thạo. Và vì giỏi tiếng Anh, nên anh có nhiều cơ hội, bây giờ đang là giám đốc marketing cho Coca-Cola trong khu vực, có trụ sở tại Bangkok, Thái Lan.

Rồi Tin học cũng thế. Không làm nổi những slide thuyết trình bài bản, thẩm mỹ, làm sao thuyết phục được khách hàng? Không giỏi excel, làm sao phục vụ được cho các hoạt động đặc thù của kinh doanh? Không thạo các chức năng email, làm sao xử lý tốt công việc?… Nói chung, Tin học là thứ công cụ bắt buộc phải dùng để làm tốt việc kinh doanh.

Thiếu kiến thức tổng quát, chẳng khác gì bạn đang chạy trên một chiếc xe xẹp lốp

Có thể kiến thức chuyên ngành bạn tốt, tiếng Anh và Tin học bạn giỏi, nhưng không nắm vững kiến thức tổng quát và tình hình kinh tế xã hội với những đổi thay từng ngày, thì giống như bạn đi trên chiếc xe có động cơ tốt, xăng nhớt đầy đủ, nhưng lốp xe lại xẹp. Có đi được, chiếc xe cũng tiến rất chậm và có nguy cơ không đi được lâu đến đâu cả.

Bạn đừng nghĩ mình học ngành nào thì ra trường sẽ làm đúng ngành đó. Vì vậy, kiến thức chuyên ngành chưa đủ, bạn phải có kiến thức tổng quát để khi đổi việc – là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra – bạn không phải trở về con số không. Khi còn là một sinh viên, tôi rất ghét môn kế toán và chuyên ngành của tôi là quản trị kinh doanh. Lúc đó, tôi nghĩ rằng, không bao giờ mình làm công việc kế toán. Vậy mà sau này, trong con đường nghề nghiệp của mình, tôi đã làm tất cả các công việc, kể cả kế toán. Tôi bắt đầu bằng công việc Nhân viên xuất nhập khẩu, rồi chuyên viên thanh toán quốc tế, sau đó là kế toán viên phụ trách tài khoản Thanh toán cho người bán và kế toán chi nhánh. Các công việc tiếp theo lần lượt là Trợ lý Tổng Giám Đốc, Phó Phòng Kinh Doanh Gas, Giám Đốc Tiếp Thị, Phó Tổng Giám Đốc, Giám Đốc Đầu Tư, Thành viên HĐQT, Phó Chủ Tịch HĐQT, Chủ Tịch HĐQT… Tức là, tôi đã kinh qua gần như tất cả các công việc có liên quan đến ngành kinh tế chứ không chỉ là kinh doanh. Như vậy, để có thể làm tốt tất cả các công việc này, đòi hỏi tôi phải cập nhật liên tục kiến thức kinh tế xã hội chứ không chỉ là quản trị kinh doanh.

Rồi trong việc quan hệ làm ăn với đối tác nước ngoài, điều thường thấy là họ rất quan tâm đến tình hình kinh tế chính trị xã hội Việt Nam. Mù mờ kiến thức xã hội, làm sao bạn nói chuyện với họ? Làm sao gây được ấn tượng khiến họ đánh giá cao hiểu biết của bạn để tiến đến việc bắt tay làm ăn?

Có lần, có anh bạn Thái Lan hỏi tôi: “Theo anh Quỳnh, Bác Hồ có bao nhiêu cái tên?” Tất nhiên, tôi kể được. Nhưng sau đó, tôi bất ngờ vì anh ta đọc vanh vách một danh sách hơn 30 cái tên của Bác mà mình cũng chưa biết hết. Chuyện nhỏ thôi, nhưng tôi muốn nói rằng, đôi khi những kiến thức tổng quát nho nhỏ như thế có thể giúp mình chứng minh mức độ hiểu biết tình hình và ghi được một “điểm” nào đó trong mắt các đối tác nước ngoài.

Hãy nhớ “bơm lốp xe” bằng cách trang bị và tiếp thu không ngừng các kiến thức tổng quát và tình hình kinh tế xã hội trong mọi lĩnh vực và phương diện đời sống. Có như thế, bạn mới vững vàng trên con đường sự nghiệp của mình.

Làm thế nào để cử nhân kinh tế không bị thất nghiệp? (P1)

https://nguyentuanquynh.com/lam-the-nao-de-cu-nhan-kinh-te-khong-bi-that-nghiep-p2%ef%bf%bc/

Leave a Comment

Your email address will not be published.

You may also like